- Andre Menras
Trở về từ Liên hoan phim Lorient





Tôi vừa từ Lorient trở về, sau khi được mời tới giới thiệu « Những hiệp sĩ Cát Vàng », cuốn phim thứ nhì của tôi, nói về ngư dân Trung Bộ. Xin chia sẻ một vài cảm nghĩ với những ai quan tâm.
Trước hết phải nói tôi rất ấn tượng trước quy mô của Liên hoan phim Lorient, tổ chức hoàn hảo, nội dung phong phú, chất lượng tác nghiệp của các cuốn phim tham gia, cũng như thông điệp mạnh mẽ của khá nhiều phim, kêu gọi cứu biển, kêu gọi ủng hộ các cộng đồng cư dân sống hài hoà với biển cả. Toàn bộ các cuốn phim ấy là một cuộc du hành trên biển cả – người mẹ nuôi dưỡng nhân loại – vòng quanh trái đất, nói lên cái đẹp của biển, cũng như những khổ ải và dũng khí của biển. Những cuộc kháng chiến đã rơi vào quên lãng, những cuộc giao chiến ngư nghiệp, cá lớn nuốt cá bé trong thời đại hoàn cầu hoá khá tác hại. Vạch rõ bộ mặt của những tên hải tặc công nghiệp, những tên côn đồ gây ô nhiễm trên biển cả, và bọn hoạt đầu chính trị phục vụ chúng. Có những phim tố cáo một số tổ chức nhân danh hoạt động đoàn kết để làm giàu, thậm chí còn « hú theo đàn sói », nhân danh bảo vệ động vật để triệt hạ phương tiện sinh tồn của những cộng đồng cư dân, dọn đường cho những công ti khổng lồ chiếm đoạt khoáng sản và dầu khí…. Đó cũng là những cuốn phim phản ánh một cách tinh tế tâm lý người ngư dân đi khơi đi lộng, nói lên nỗi khổ đau sâu kín của những người phụ nữ vò võ chăm lo việc nhà. Đơn độc.
Từ Louisiana đến Ấn Độ, qua vịnh Guinée, Mauritanie, Casamance ở miền Nam Sénégal, Ireland, Na Uy, đảo Terre-Neuve (Canada), quần đảo Nicobar sau vụ Sóng Thần, đảo Fogo (thuộc Canada), hồ Chapala bên Mexico, vùng biển Bretagne phía tây nước Pháp, biển Địa Trung Hải, những phụ nữ Nhật Bản lặn đấy biển mò trai, những người Inuit bị bóp nghẹt nhân danh cuộc đấu tranh bảo vệ hải cẩu sơ sinh… và những ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc cấm đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa. Trung Quốc là nước bị nhiều cuốn phim vạch mặt chỉ tên, là kẻ đánh bắt hải sản tham lam vô độ và bất chấp mọi luật pháp.
«Những Hiệp sĩ Cát Vàng» không dự thi. Nó được thực hiện trong vòng bí mật, người quay không chuyên nghiệp, quay bằng máy ảnh đơn giản, thường quay vào ban đêm, không có chuyên viên ánh sáng và âm thanh, chơi vơi sóng gió trên một chiếc thuyền đánh cá nhỏ bé, tất nhiên không đáp ứng những tiêu chuẩn kĩ thuật và thẩm mĩ của phần đông những tác phẩm được trình chiếu ở Liên hoan phim. Không kỹ xảo, không diễn viên, không đạo diễn, không một xu tài trợ. Lời bình được biên soạn trong hai ngày, ghi âm ba giờ. Hiện thực ở dạng « thô » nhất, « cây nhà lá vườn ». Nhưng nó đã được các em học sinh trung học cơ sở bỏ phiếu trao giải.
Trong khi đó, hàng trăm nghìn học sinh trung học cùng tuổi với họ ở Việt Nam vẫn chưa có dịp xem phim này, đa số các em cũng ít biết gì về biển đảo, lịch sử biển đảo của mình. Còn ở đầu này của đại lục, những thiếu niên Pháp đã chọn lựa cuốn phim để trao « giải thưởng của trái tim ». Không một gợn ô nhiễm chính trị, tôn giáo hay tư tưởng. Lá phiếu tươi mát ấy không biết dối trá : nó nói lên sự cảm phục đối với những ngư dân, những người thợ lặn trẻ tuổi dám đánh cuộc mạng sống của mình, mỗi lần xông pha vào vùng biển đảo hiểm nguy là một lần hao mòn sinh lực. Nó cũng biểu hiện sự ủng hộ đối với một cộng đồng mấy vạn gia đình sống tập trung trên một dải đất hẹp ven biển, sống vì biển và chỉ sống nhờ biển. Một vùng biển và những hải đảo bị cưỡng đoạt đã trở thành vùng cấm. Bằng sức mạnh của nòng súng.




Không có gì toàn mĩ và vĩnh viễn. Nhưng dẫu sao, những bạn trẻ người Pháp ấy có may mắn đến sau những thế hệ – nữ cũng như nam – đã liên tiếp đấu tranh để giành được quyền được nhìn đời, được xem xét hiện thực của Thế giới trong sự đa dạng và khác biệt của nó, quyền được nhận biết Lịch sử với những mâu thuẫn của nó, quyền được tìm kiếm, chọn lựa mà không bị thao túng, đe doạ… và quyền bỏ phiếu. Một thế giới rất khác thế giới của các bạn học sinh Việt Nam !
Khi tôi viết những dòng này, thì đội trong phim vừa cặp bến Sa Kỳ, với hai bàn tay trắng sau hai mươi ngày đi khơi đi lộng ở Hoàng Sa : chuyến đi phải bỏ dở nửa chừng, thiết bị và tôm cá bị Trung Quốc trấn lột. Nợ nần chồng chất, nhưng ít nhất là họ đã sống sót. Thật là xót xa.
Thảm kịch ấy, trách nhiệm thuộc về bè lũ diều hâu bành trướng Bắc Kinh, nhưng không chỉ có chúng. Liên hoan Lorient cũng là dịp biểu lộ sự phẫn nộ đối với những quan chức toàn quyền kiểm duyệt điện ảnh ở Việt Nam. Đầu tháng ba, họ đã cho phép chiếu cuốn phim Trung Quốc « Điệp vụ Biển Đỏ » nhân dịp kỉ niệm 90 năm thành lập Giải phóng quân Trung Quốc – thực sự đã trở thành đội quân đàn áp nhân dân, trong phim nói tới « lãnh hải thuộc chủ quyền của Trung Quốc ở Nam Hải » trong khi Toà trọng tài quốc tế La Haye của LHQ về quyền biển đã dứt khoát bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên không gian biển đảo này. Như vậy là người ta bỏ mặc những ngư dân và goá phụ, cấm đoán những cuốn phim nói lên tiếng nói cuả họ, nhưng người ta đã cho chiếu cuốn phim tuyên truyền của Bắc Kinh. Thật là một sự xúc phạm anh linh của 64 binh sĩ Việt Nam ở Gạc Ma, nước biển lên tới bụng, được lệnh giữ vững vị trí nhưng không được phép nổ súng, đã bị hải quân Trung Quốc xả liên thanh cấp tập. Đó là ngày 14 tháng ba 1988.
Đối với điện ảnh Việt Nam, ở cấp lãnh đạo chính trị như vậy, không thể viện cớ là ngu dốt, là không biết. Rõ ràng có sự đồng loã, toa dập. Nó cho thấy ngư dân miền Trung Việt Nam đã bị phó mặc số phận cho kẻ cướp phương bắc. Sự phản bội này không có tính chất ý thức hệ, vì hai đảng độc quyền tự nhận là cộng sản ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam đang nắm trọn mọi quyền lực, thống trị một chế độ tư bản chủ nghĩa hoang dại, trong đó tham nhũng và móc ngoặc đang bóp nghẹt đời sống đất nước. Khốn nạn thay cho những con người mà thời trẻ cũng đã chiến đấu cho một nước Việt Nam độc lập và tự do. Chiến đấu, hy sinh để, một nửa thế kỉ sau, đi tới một chế độ nô dịch, trấn áp mới, ngày càng rõ nét.
Dũng cảm, tự hào và nhân bản biết bao, cũng là bài học khán giả cuốn phim nhận được từ những ngư dân trẻ tuổi, lặn sâu dưới mấy chục mét, cách hòn đảo đã bị Trung Quốc quân sự hoá chưa đầy mấy ki lô mét, nơi mà vài tháng trước đây, họ đã bị tấn công. Chiếc loa trên boong tàu suốt đêm phát ra những làn điệu dân ca. « Không sợ », dường như đó là thông điệp mà họ muốn gửi tới những người đồng bào chỉ biết nghĩ tới vợ con, ngôi nhà và chiếc xe của mình, quên đi rằng mất biển, mất ngư dân là mất nước, là họ đang làm mất nước. Vâng, nước Việt Nam thực sự là nước Việt Nam đang kháng chiến như vậỵ đó. Cảm ơn Liên hoan Lorient đã thừa nhận sự thực đó và đã trao lời cho đất nước Việt Nam ấy. Cảm ơn các em học sinh trường trung học cơ sở Kerdurand de Riantec đã lắng nghe và nghe thấu điều đó !
André Menras - Hồ Cương Quyết